-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Biến thể Lambda là gì? Mức độ nguy hiểm biến thể Lambla như thế nào?
Bài viết liên quan
- Những điều cần biết về vắc xin (vaccine) Covid-19 Abdala của Cuba
- Những điều cần biết về vắc xin (vaccine) Covid-19 Hayat-Vax
- Top những công dụng thần kỳ của rau má với sức khỏe bạn nên biết
- Top các mẹo và cách làm để chữa trị hôi chân từ thiên nhiên hiệu quả
- Top những lợi ích và công dụng của dầu Ô Liu (Oliu/Olive) với sức khỏe
- Tác dụng tuyệt vời của quả bơ đối với sức khỏe và làm đẹp
Biến thể Lambda khiến các nhà khoa học chú ý khi xuất hiện ngày càng nhiều, đặt ra thách thức mới cho nền y tế toàn cầu. Biến chủng mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào danh mục biến thể cần chú ý (VOI), đặc biệt là khả năng chống lại các kháng thể trung hòa.
Thế giới vẫn đang vật lộn với những tác động của biến thể Delta và Delta Plus, trong hoàn cảnh này, một biến thể mới của virus mang tên Lambda đang nổi lên như một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra sự lây lan của dịch bệnh, đặc biệt là tại Mỹ Latinh, châu Úc và châu Âu.
Biến thể Lambda là gì?
Biến thể Lambda (C.37) là một chủng đột biến của virus gốc gây bệnh Covid-19 SARS-CoV-2. Hiện biến chủng Lambda được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào danh mục biến thể cần chú ý (VOI), thấp hơn các biến thể trong danh mục cần được quan tâm (VOC) như biến chủng Delta xuất hiện cách đây không lâu.
Sự xuất hiện trong danh mục các biến thể cần chú ý cho thấy mức độ nguy hại và khả năng lây lan của biến chủng mới là không thể xem thường. Thực tế, một số nghiên cứu đã cho thấy biến thể Lambda có thể làm tăng khả năng lây nhiễm nhanh hơn so với biến thể Delta. Cho đến giữa tháng 8/2021, có khoảng 40 quốc gia đã ghi nhận sự xuất hiện của biến thể mới này.
Biến thể Lambda có nguồn gốc từ đâu?
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể Lambda xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 8/2020 tại thủ đô Lima (Peru), sau đó nhanh chóng lan rộng tại nước này. Theo ông Pablo Tsukayama, nhà virus học của Đại học Cayetano Heredia tại Lima, người dân Peru đang phải vật lộn với đại dịch Covid-19 từ khi có sự xuất hiện của biến thể Lambda. Hiện có hơn 80% trường hợp nhiễm Covid-19 mới tại nước này có liên quan đến biến thể Lambda (kể từ tháng 4/2021).
Sau khi phát tán tại Peru, biến chủng virus Corona Lambda tiếp tục tấn công khu vực Nam Mỹ (Ecuador, Chile, Argentina, Brazil) và hiện có nguy cơ trở thành biến chủng virus Covid-19 chủ đạo ở khu vực này. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cảnh báo, biến chủng Lambda có nguy cơ tạo nên làn sóng mới tại Mỹ, sau khi nước này ghi nhận hơn 1.300 ca nhiễm biến chủng mới tại 44 bang trên cả nước. Tại Châu Á, Nhật Bản đã ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên mang biến thể mới vào ngày 20/7, là một công nhân người Nhật trở về từ Peru.
Hình ảnh nhân viên y tế đến quần đảo Uros (Peru) tiêm vắc xin Sinopharm
Triệu chứng của biến thể Lambda
Theo thông tin từ tạp chí Science Focus công bố, triệu chứng của người nhiễm biến thể Lambda không khác biệt so với nhiễm các chủng virus Covid-19 bình thường. Cụ thể, các triệu chứng có thể xuất hiện từ 2-14 ngày sau khi phơi nhiễm với virus và bất kỳ ai cũng có thể xuất hiện các triệu chứng từ nhẹ đến nghiêm trọng, bao gồm: sốt, ho, ớn lạnh, khó thở, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, đau họng, mất vị giác hoặc khứu giác, buồn nôn, nôn, người nhiễm biến thể Lambda còn có các triệu chứng liên quan đến đường ruột như tiêu chảy,…
Triệu chứng khi nhiễm biến thể Lambda gần giống so với những biến thể khác
Ngoài ra, người bệnh còn có thể xuất hiện một số triệu chứng hiếm gặp khác. Người cao tuổi, người có bệnh lý nền như các bệnh về tim, phổi, bệnh tiểu đường có nguy cơ cao gặp các biến chứng nghiêm trọng khi nhiễm Covid-19.
Biến thể Lambda có lây nhiễm và gây tử vong cao hơn không?
Nếu so với biến chủng Delta có tốc độ lây lan kinh hoàng tại nhiều quốc gia trên thế giới, biến chủng Lambda ít gây lo ngại hơn. Tuy nhiên, theo chia sẻ của GS. Gregory Poland, giám đốc Nhóm nghiên cứu vắc xin tại Mayo Clinic, một trung tâm nghiên cứu y tế phi Chính phủ tại Minnesota, “Tôi nghĩ bất cứ lúc nào một biến chủng virus mới được phát hiện và thể hiện khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng thì chúng ta đều phải đặc biệt quan tâm”.
Theo kết quả của những nghiên cứu ban đầu về biến chủng mới cho thấy, Lambda mang hai đột biến T76I và L452Q làm tăng khả năng lây nhiễm mạnh hơn so với các chủng virus ban đầu. Mặc dù vậy, hiện tại có rất ít bằng chứng về biến thể này. Cơ quan Y tế cộng đồng Anh (PHE) hiện đang thực hiện các nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm để xác định đặc điểm và tác động có thể có của chủng Lambda đối với sự lây truyền trong cộng đồng. Do đó vẫn chưa đủ bằng chứng cho thấy biến thể này gây ra bệnh nặng hơn hoặc làm cho các loại vắc xin hiện đang được triển khai ít hiệu quả hơn.
Tiến sĩ Malani, giám đốc y tế bệnh truyền nhiễm tại Đại học Michigan, Mỹ cho biết, “Cách duy nhất để ngăn chặn và kiểm soát sự lan rộng của biến chủng virus Covid-19 mới chính là tiêm chủng vắc xin rộng rãi cho người dân. Đây là một cuộc chạy đua để tiêm chủng vắc xin bao phủ đầy đủ cho cộng đồng trước khi các biến chủng mới phát triển đủ khả năng kháng lại các biện pháp phòng ngừa”.
Biến thể Lambda có kháng vaccine không?
Theo kết quả phân tích gene ban đầu, biến thể Lambda có 5 đột biến gen mới, trong đó 3 đột biến là RSYLTPGD246-253N, 260L452Q, F490S có khả năng chống lại hoặc trung hòa kháng thể trong vắc xin và 2 đột biến là T76I, L452Q có khả năng thoát miễn dịch mạnh hơn so với biến thể Delta.
Tuy vậy, cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng đầy đủ cho thấy biến thể Lambda ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả của vắc xin. Đối với hai loại vắc xin AstraZeneca và Pfizer, do ít được sử dụng tại Chile (nơi thực hiện các nghiên cứu) nên không đủ dữ liệu để kết luận Lambda có kháng vắc xin hay không.
“Chúng ta cần thêm dữ liệu dựa trên hiện tượng nhiễm virus trong ống nghiệm, trên mô hình động vật và thử nghiệm kháng thể trung hòa. Tuy nhiên, cần nhớ rằng hiện tất cả các loại vắc xin đều đủ khả năng bảo vệ cơ thể trước các biến chủng virus đã biết”, TS. Pablo Tsukayama cho biết thêm.
Các loại biến thể Covid-19 hiện nay trên toàn thế giới
Giống như các loại virus gây bệnh khác, virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 liên tục biến đổi thông qua các đột biến. Những đột biến này càng làm tăng và tạo ra các phiên bản virus mới hơn so với chủng gốc được gọi là “biến thể”. Đôi khi, đột biến làm gia tăng khả năng lây lan của virus, khiến người bệnh trở nặng hoặc cũng có thể khiến virus kháng thuốc, kháng vắc xin.
Một số biến thể của virus SARS-CoV-2 đang lưu hành trên thế giới
Hiện nay có rất nhiều biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 đang lưu hành trên thế giới. Tuy nhiên, trong số đó, có một số biến thể được xếp vào “danh sách” đáng lo ngại, bao gồm:
- Alpha (B.1.1.7): được phát hiện lần đầu ở Vương Quốc Anh và đã nhanh chóng lan rộng khắp thành phố Luân Đôn và vùng Đông Nam nước Anh. Cho đến nay, chủng virus này đã xuất hiện tại hơn 100 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo các nhà nghiên cứu, dường như biến thể này đang có dấu hiệu đột biến trở lại.
- Beta (B.1.351): lần đầu tiên được xác định tại Nam Phi, tuy nhiên trước đó biến thể đã có mặt tại ít nhất 20 quốc gia khác, bao gồm Vương Quốc Anh. Theo đánh giá của các nhà khoa học, biến thể Beta có khả năng lây nhiễm gấp 1.5 lần so với biến thể Alpha, đồng thời có khả năng tiến hóa và thích nghi cao hơn chủng virus cũ.
- Gamma (P.1): lần đầu tiên được xác định tại Brazil, nhưng trước đó cũng đã lan rộng tại 10 quốc gia khác, bao gồm Vương Quốc Anh. Theo các nhà khoa học, biến chủng Gamma có khả năng lây nhiễm cao hơn gấp 2.5 lần so với chủng SARS-CoV-2 gốc và có khả năng lây nhiễm cho những người trước đó đã khỏi bệnh.
- Delta (B.1.617.2): hiện chiếm 99% các trường hợp nhiễm Covid-19 tại Anh. Với khả năng lây lan với tốc độ kinh hoàng, khó truy vết, biến thể Delta nhanh chóng trở thành “cơn ác mộng” của Ấn Độ, Vương Quốc Anh và nhiều quốc gia trên thế giới, áp đảo hệ thống y tế toàn cầu.
- Delta Plus (AY.1): khi biến thể Delta vẫn còn đang lan nhanh trên toàn cầu, biến thể Delta Plus xuất hiện và lan rộng đến hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, áp đặt gánh nặng lên hệ thống y tế toàn cầu. Về mặt di truyền, Delta và Delta Plus – cơ bản là giống nhau, nhưng Delta Plus có đột biến bổ sung ở protein gai giúp virus có thể tiếp cận với tế bào của người. Một nghiên cứu được thực hiện tại Ấn Độ nhận định rằng, các dòng phụ của Delta có khả năng lây truyền thấp hơn Delta.
Ngoài các biến thể của virus SARS-CoV-2 kể trên, gần đây nhất là sự xuất hiện của biến thể Lambda.
Các loại vaccine Covid-19 nào chống được biến thể Lambda?
Là một biến thể virus mới xuất hiện gần đây, hiện vẫn chưa có đầy đủ dữ liệu khẳng định hiệu quả của vắc xin với biến thể Lambda. Biến thể này vẫn còn rất nhiều khía cạnh bí ẩn mà các nhà khoa học cần khám phá.
Tuy nhiên, hầu hết các loại vắc xin phòng Covid-19 được cấp phép lưu hành trên thị trường hiện nay có hiệu quả trong việc chống lại các biến thể virus. Do đó, người dân nên tiêm các loại vắc xin sẵn có để có thể bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Theo số liệu nghiên cứu từ Chính phủ Anh, tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng Covid-19 có thể giảm đến 96% khả năng nhập viện và 79% nguy cơ nhiễm bệnh có triệu chứng do biến thể Delta.
Mặt khác, Cơ quan Y tế công cộng Anh (PHE) cũng chỉ ra rằng, vắc xin Pfizer giảm 96% tỷ lệ nhập viện điều trị, đối với vắc xin AstraZeneca là 92%. Hiệu quả của hai loại vắc xin đối với biến thể Alpha và Delta không khác biệt nhiều. Củng cố cho luận điểm này, nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa New England Journal of Medicine khẳng định, những người tiêm ngừa đủ 2 liều vắc xin của hãng Pfizer hoặc AstraZeneca sẽ có thể ngăn ngừa biến thể Delta gần giống với việc ngăn ngừa biến thể Alpha.
Tính đến ngày 10/8/2021, Việt Nam đã nhập khẩu và phân phối 4 loại vắc xin phòng Covid-19 là: AstraZeneca (Vương quốc Anh), Pfizer (Mỹ), Moderna (Mỹ) và Vero Cell (của Sinopharm, Trung Quốc). Trong đó, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng cho Trẻ em và Người lớn VNVC đã mang về 4.387.100 liều vắc xin AstraZeneca trong tổng số 30 triệu liều vắc xin theo hợp đồng đã ký giữa VNVC với AstraZeneca vào tháng 11/2020 và chuyển giao phi lợi nhuận cho Chính phủ theo nguyên tắc phi lợi nhuận với giá bằng đúng giá mua lại của AstraZeneca. Toàn bộ những khoản chi phí rủi ro, bảo quản… lên đến hàng chục tỷ đồng sẽ do VNVC tự chi trả.
Không dừng lại ở đó, VNVC sẽ tiếp tục nỗ lực tìm kiếm những nguồn vắc xin chất lượng cao tiếp theo để mang về cho người dân cả nước, chung tay cùng ngành y tế nước nhà đẩy lùi dịch bệnh, giảm thiểu tác động của dịch bệnh Covid-19 gây ra cho sức khỏe và đời sống của người dân, sớm đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường.
Nguồn: VNVC